Bánh ngọt ‘eat clean’ hầu hết sẽ có mùi vị hơi khác bánh ngọt thường. Sự “khác” này với mình thường nghiêng về nghĩa kém “đã miệng” hơn. Tuy nhiên, công thức cách làm bánh brownies chuối bằng nồi chiên không dầu mà mình giới thiệu trong bài viết này là một ngoại lệ.
Công thức bánh brownies chuối healthy mình chia sẻ hôm nay được làm từ các nguyên liệu eat clean quen thuộc như yến mạch, hạt chia, đảm bảo giàu dinh dưỡng mà không chứa quá nhiều calories. Và quan trọng nhất, mùi vị bánh chẳng thua kém các loại brownies version thông thường chút nào.
Bánh có kết cấu ẩm, dẻo mềm và vị ngọt vừa đủ để bạn hài lòng gật gù ngay từ miếng đầu tiên. Với công thức này, bạn sẽ chẳng có cảm giác đang ăn một món đã biến tấu theo ‘eat clean’. Ngược lại, có thể bạn sẽ lầm tưởng mình đang tận hưởng một bữa “cheat meal” cũng nên.
Đọc tiếp để tìm hiểu công thức và những lưu ý khi làm món bánh “tưởng không healthy mà healthy không tưởng” này nhé!
Cách làm bánh Brownies chuối ca cao không cần lò nướng
Mình đọc được công thức này từ Instagram _ducmin.healthy_. Lần đầu làm thử, mình thấy kết cấu bánh hơi ướt. Có lẽ do mình dùng sữa chua thường mà không phải sữa chua Hy Lạp nhưng vẫn giữ nguyên khối lượng. Vì thế, mình đã điều chỉnh lại một chút và thành công mỹ mãn ở lần thứ 2.
Dưới đây là công thức làm bánh brownies ca cao chuối bằng nồi chiên không dầu đã biến tấu đôi chút bởi The Delayed Monday. Các bạn cũng có thể tìm công thức nguyên bản của _ducmin.healthy_ tại đây.
Nguyên liệu
- 50gr sữa chua không đường Vinamilk
- 30gr bột yến mạch
- 15gr bột ca cao nguyên chất (mình dùng của Heyday ngon lắmmm, bao bì cũng đẹp nữa)
- 50gr chuối chín
- 1 tsp hạt chia
- ½ tsp bột nở
- 1 quả trứng gà khoảng 35gr
- 15ml mật ong
Cách làm
- Làm nóng nồi chiên không dầu trước 10p ở nhiệt độ 160 độ C
- Trong khi đợi lò nóng, dằm nát chuối rồi trộn đều cùng trứng gà, mật ong, sữa chua và hạt chia
- Trong 1 tô riêng, trộn đều bột yến mạch và bột nở
- Trộn chung hỗn hợp khô và hỗn hợp ướt cho đến khi hòa quyện
- Đổ hỗn hợp vào khuôn và nướng trong nồi chiên ở 160 độ C trong 20 phút
Ngoài ra, nếu không thích chuối, bạn có thể tham khảo công thức brownies yến mạch sữa chua của littletmealprep. Đây là công thức tạo ngọt hoàn toàn từ mật ong, không sử dụng chuối.
—
Update ngày 10/2/2022:
Xin chào! Khi đăng bài viết này vào tháng 11/2021, mình có giới thiệu thêm công thức brownies ca cao siêu đơn giản của littletmealprep nhưng chưa thử nghiệm. Hôm nay mình trở lại để cập nhật với các bạn rằng: bánh brownies làm theo công thức của littletmealprep cũng cực kỳ tuyệt vời!
Dưới đây là hình ảnh thành quả (thành công ngay ở lần đầu tiên làm thử vì quá sức đơn giản):
Ngoài lề một chút, littletmealprep cũng là một tài khoản Instagram được nhiều người biết tới nhờ các công thức eat clean vừa ngon mắt, ngon miệng, lại đơn giản. Mình cũng đã thử một số công thức của bạn ấy và sẽ chia sẻ trong các bài viết sắp tới trên thedelayedmonday.com. Ghé thăm Blog của mình thường xuyên để không bỏ lỡ nha!
6 lưu ý khi làm bánh brownies chuối bằng nồi chiên không dầu
Công thức vốn đã rất đơn giản nên ban đầu mình cũng không nghĩ cần có lưu ý gì đặc biệt cả. Tuy nhiên, nếu bạn là một người cầu toàn, thì dưới đây là 5 lưu ý nho nhỏ để bạn có thể nâng món ăn lên tầm hoàn hảo 😛
1. Gấp đôi khối lượng nếu dùng sữa chua Hy Lạp
Nếu bạn muốn sử dụng sữa chua Hy Lạp thì nhớ gấp đôi khối lượng trong công thức mình chia sẻ bên trên nhé. Kết cấu sữa chua Hy Lạp đặc hơn sữa chua thường. Vì thế, tăng lượng sữa chua mới đảm bảo đủ chất lỏng để bánh ẩm và xốp.
Nếu bạn thích ăn bánh có sữa chua, có thể tìm hiểu cách làm bánh chuối yến mạch theo chị Emma Phạm nhé.
2. Khuôn mình dùng là hộp thủy tinh Lock&Lock kích thước 10 x 14cm
Vì là brownies nên bánh sẽ hợp với các loại khuôn chữ nhật hoặc vuông hơn là khuôn tròn. Nếu muốn gấp đôi công thức, bạn có thể dùng sang khuôn loaf A04 kích thước 16 x 10cm. Mình hay mua các loại khuôn của shop HuyenDu2712 trên shopee.
Nếu nhà không có sẵn khuôn chữ nhật hay vuông? Chẳng sao hết, chỉ cần một món đồ chịu nhiệt hình dáng bất kì như một chiếc bát ăn cơm chẳng hạn. Hãy để sự sáng tạo của bạn vượt lên mọi giới hạn!
3. Mình dùng nồi chiên không dầu Lock&Lock 3.5L
Nếu các bạn dùng lò nướng, có thể tăng mức nhiệt lên 180 độ C. Thể tích lò rộng hơn nồi chiên khá nhiều nên nhiệt độ khi dùng lò nướng thường sẽ cao hơn nhiệt độ khi dùng nồi chiên.
>>> Đọc thêm các công thức làm bánh ngọt sử dụng nồi chiên không dầu:
- Bánh muffin yến mạch chuối vị cam
- Bánh chuối yến mạch “tối giản” theo diet.maytrongbep
- Bánh mì chuối yến mạch theo vi.eatclean
4. Nên trộn riêng hỗn hợp khô trước khi đổ vào hỗn hợp ướt
Làm như vậy để đảm bảo bột nở được hòa trộn đều vào bột yến mạch, và sau đó hòa đều vào hỗn hợp ướt. Khi đó, bánh sẽ nở đều và đẹp hơn.
Lần đầu làm thử mình dùng khuôn ramenkin sứ hình tròn, và lười không trộn riêng hỗn hợp khô. Kết quả là bánh có hình thù kì cục do nở không đều, ăn cũng không được ngon. Tóm lại là chán chẳng buồn chụp ảnh 🙂
5. Bánh ngon hơn khi ăn lạnh
Bánh chuối yến mạch dù làm theo công thức tối giản hay công thức có sữa chua thì mình đều thấy ăn khi nóng sẽ ngon hơn. Ngược lại, với mình thì brownies chuối yến mạch có hương vị xuất sắc nhất khi ăn lạnh.
Sau khi bánh được nướng chín, các bạn nhớ để nguội hẳn rồi mới cất tủ lạnh nhé. Mình để tủ lạnh qua đêm và ăn vào sáng hôm sau. Bánh lúc này đạt độ lạnh sâu, kết cấu vừa dẻo mềm, lại vẫn xốp ẩm. Tóm lại là… bạn phải làm thử ngay để tự trải nghiệm mới được!
6. Công thức dành cho 2 – 3 phần ăn
Mình thường thấy khó hình dung độ lớn của bánh khi nhìn qua ảnh chụp, kể cả khi đã có chú thích kích thước khuôn. Vì thế, để các bạn dễ ước lượng thì lượng công thức trên phù hợp cho 2 – 3 phần ăn nhé. Bánh không quá lớn đâu, nhưng cũng không nhỏ đến mức một người có thể (hoặc nên) ăn hết trong một lần.
4 câu hỏi thường gặp khi làm brownies chuối yến mạch sữa chua
1. Bánh brownies chuối yến mạch hạt chia bao nhiêu calo?
Với công thức như trên, bánh sẽ cung cấp khoảng 400 kcal. Nếu chia làm 3 phần ăn thì mỗi phần còn chưa tới 140 kcal. Các bạn tham khảo thêm bảng thành phần dinh dưỡng dưới đây nhé, mình dùng app MyFitnessPal:
2. Dùng bột hạnh nhân hay bột mì trắng thay thế bột yến mạch được không?
Hoàn toàn có thể thay thế bột yến mạch bằng bột hạnh nhân với khối lượng tương đương.
Đối với bột mì, bạn có thể phải tăng khối lượng lên một chút để hỗn hợp đặc vừa đủ. Lí do là vì bột mì thường hút ít nước hơn bột yến mạch. Mình chưa làm thử bao giờ nên cũng không dám gợi ý khối lượng chính xác. Bạn chịu khó mày mò chút vậy hehe.
Lưu ý nhỏ: bánh vẫn đạt chuẩn healthy khi dùng bột hạnh nhân, nhưng sẽ kém healthy hơn nếu dùng bột mì. Các bạn cân nhắc nha!
3. Nướng bằng nồi thủy tinh được không?
Nhà mình không có nồi thủy tinh nên chưa thử nướng bằng loại nồi này bao giờ. Nhưng mình thấy littletmealprep trả lời trên Instagram của bạn ấy là có thể, vì vậy các bạn mạnh dạn thử xem sao.
4. Không có bột nở thay bằng muối tinh hay muối nở (baking soda) được không?
Không thể thay thế bột nở bằng muối tinh (hay muối ăn), nhưng có thể thay bột nở bằng muối nở (baking soda). Nếu theo công thức mình chia sẻ thì bạn có thể thay thế ½ tsp bột nở bằng ¼ tsp muối nở xem sao nha.
Không có cả bột nở và muối nở? Thì không nên chút nào. Cốt bánh sẽ chai cứng và kém ngon hơn rất nhiều. Đây là 2 loại nguyên liệu sử dụng trong hầu hết các công thức làm bánh. Vì thế, lên shopee và đặt mua ngay thôi. Mỗi loại bột nở 100g là dùng được tới vài tháng đó, nếu mỗi tuần bạn chỉ nướng bánh 1 – 2 lần như mình.
Đây là cách làm bánh brownies chuối bằng nồi chiên không dầu ‘3 không’
Mình xin được tổng kết công thức bánh brownies chuối yến mạch eat clean hôm nay với “3 không” như sau:
- Không cần lò nướng (chỉ cần nồi chiên không dầu)
- Không thể thất bại
- Không có lí do gì để không làm thử ngay hôm nay 😀
Cảm ơn _ducmin.healthy_ và littletmealprep thật nhiều vì nhờ hai em mà mình mới biết tới công thức này. Niềm vui khi làm thành công một món bánh và tận hưởng hương vị ngọt ngào mà nó mang lại thật không bút nào tả xiết!
Nếu bạn làm thành công, nhớ comment cho mình biết nhé! Cảm ơn và hẹn gặp lại trong bài viết tiếp theo!