Trong bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn về công thức bánh chuối yến mạch “tối giản” mà mình tâm đắc nhất. Đây là công thức mình học được từ Instagram diet.maytrongbep. Cùng tìm hiểu những điều đặc biệt ở công thức này với The Delayed Monday nhé!
Chi tiết công thức bánh chuối yến mạch bởi diet.maytrongbep
Diet.maytrongbep là tài khoản Instagram của một bạn gái rất dễ thương tên là Mây. Tài khoản có hơn 108k followers, chuyên chia sẻ kiến thức bổ ích và dễ hiểu về cách ăn uống, tập luyện theo kiểu ‘eat clean’. Bản thân Mây cũng đã thành công khi ăn theo ‘eat clean’ và giảm được 12kg từ 54 xuống 42kg.
Dưới đây là trích dẫn nguyên văn công thức và một chút chia sẻ từ Mây:
Quá ngắn gọn và đơn giản phải không? Giản dị vậy thôi mà hương vị chẳng thua kém các công thức cầu kỳ chút nào.
3 lưu ý khi làm bánh chuối yến mạch theo công thức của diet.maytrongbep
Trước khi nói đến những điều mình tâm đắc nhất, mình muốn chia sẻ về một số kinh nghiệm khi làm bánh chuối yến mạch theo diet.maytrongbep. Thực ra cũng chẳng có gì nhiều, vì bản thân công thức đã quá đơn giản rồi mà.
1. Công thức vừa với khuôn loaf A01
Với khối lượng nguyên liệu như công thức gốc, các bạn có thể dùng khuôn loaf A01 với kích thước dài 13cm x rộng 7cm x cao 4cm. Link tham khảo các loại khuôn chữ nhật (loaf) mình hay mua trên shopee ở đây nha.
Nếu không có khuôn loaf, bạn có thể dùng 2 hũ sứ ramenkin đường kính 8cm như mình cũng được nhé.
Cũng có lần mình dùng hộp thủy tinh Lock&Lock kích thước 10 x 14cm để nướng bánh. Hãy tận dụng tối đa những món đồ bếp quen thuộc sẵn có các bạn nha!
>>> Đọc thêm: Công thức làm Brownies chuối yến mạch eat clean
2. Nên thêm 10ml mật ong nếu bạn thích ăn ngọt
Với khẩu vị của mình thì công thức gốc hơi nhạt. Sau vài lần điều chỉnh thì mình thấy hương vị bánh sẽ cân đối nhất khi thêm 10ml mật ong. Vị ngọt lúc này rất vừa miệng, không gắt và cũng không khiến lượng calories bị tăng thêm quá nhiều.
3. Nướng ở 160 độ C trong 15 – 20 phút nếu dùng nồi chiên không dầu
Tin vui với những ai không có lò nướng như mình: Đây là công thức có thể dùng nồi chiên không dầu (NCKD).
Thời gian có thể ngắn hơn nếu bạn chia hỗn hợp vào 2 hũ sứ để nướng như mình. Do hỗn hợp được chia đôi nên thể tích chất lỏng cần nướng ít hơn, và vì thế thời gian nướng sẽ nhanh hơn. Sau khoảng 10 phút đầu các bạn nhớ kiểm tra tình trạng bánh nhé.
5 điều mình tâm đắc nhất về công thức của diet.maytrongbep
Cuối cùng cũng đã đến phần mà mình hào hứng chia sẻ nhất: những điều khiến mình thích thú khi làm bánh chuối yến mạch theo công thức của diet.maytrongbep.
1. Thành phần nguyên liệu “tối giản”: Chỉ gồm 3 nguyên liệu chính
Mình thường bị hấp dẫn và tò mò thử nghiệm bởi các công thức làm bánh có thành phần nguyên liệu mới lạ.
Ví dụ như công thức này dùng sữa hạt, công thức kia dùng sữa chua, công thức nọ lại có thêm nước cốt dừa. Vì nó mới lạ nên mình muốn làm thử để xem hương vị sẽ ra sao? Liệu có gì khác biệt với các công thức mình đã từng làm hay không?
Tuy vậy, càng làm nhiều mình càng nhận ra rằng: chính các công thức với thành phần nguyên liệu tối giản mới là các công thức mình làm đi làm lại nhiều lần nhất.
Và đây chính là một công thức như thế!
Công thức bánh chuối yến mạch của diet.maytrongbep hấp dẫn mình trước hết bởi thành phần nguyên liệu chính chỉ có: chuối, yến mạch và trứng gà. Các nguyên liệu còn lại như bột nở, muối nở, hay mật ong thì nhà mình cũng luôn có sẵn.
2. Cách làm được trình bày “tối giản”: Ngắn gọn, đầy đủ, và dễ nhớ
Nguyên liệu đã tối giản, cách làm còn tối giản hơn nữa. Mình đếm sương sương thì phần hướng dẫn còn chưa đến 50 từ các bạn ạ.
Khi làm bánh mình thường cẩn thận vừa làm vừa bật điện thoại để ngó qua ngó lại công thức. Nhưng với công thức này, chỉ đọc qua 1 – 2 lần là mình đã nhớ được hết: từ nguyên liệu, khối lượng, đến cách làm.
Làm bánh trơn tru mà chẳng cần mở điện thoại để xem lại công thức – đây là ưu điểm thứ hai.
3. Bánh chuối yến mạch làm theo công thức có hương vị rất ngon
Mặc dù nguyên liệu không có dầu ăn, sữa chua hay sữa tươi nhưng bánh vẫn rất mềm, xốp và ngon. Các bạn xem ảnh để hình dung rõ hơn về kết cấu bánh nhé:
Khi so với bánh chuối yến mạch làm từ các công thức có sữa hạt, sữa chua hay nước cốt dừa, mình thấy sự khác biệt không rõ ràng lắm.
>>> Đọc thêm: Kinh nghiệm làm bánh chuối sữa chua theo Emma Phạm
4. Khối lượng nguyên liệu vừa đủ
50 gram bột yến mạch tương đương vừa vặn 1/3 cup bột gạt bằng. Vì thế mỗi lần làm theo công thức của Mây, mình không cần dùng cân để đong mà chỉ cần xúc một thìa bột yến mạch như trong hình bên dưới. Vậy là bớt hẳn một thao tác, quy trình và thời gian làm bánh cũng đơn giản và nhanh gọn hơn rồi.
>>> Thìa đong xinh xắn nhiều màu mình mua ở đây nha
5. Có chú thích khối lượng cụ thể cho chuối
Không biết các bạn có thấy hơi kì cục với lí do này hay không, nhưng với một người ám ảnh sự chính xác như mình thì thật sự đây là một điểm cộng.
Mình rất thích các công thức có chú thích khối lượng cụ thể cho các nguyên liệu, thay vì ước lượng theo kiểu 1 quả chuối vừa, 2 quả chuối lớn. Mỗi lần đọc những ước lượng như thế, mình lại bồn chồn đánh giá chuối nhà mình là size vừa hay size lớn? Nên lấy bao nhiêu quả để làm thì mới đúng đây?
Thực ra, sai số trong ước lượng dù có cũng không đáng kể, và cũng không ảnh hưởng nhiều đến thành phẩm. Nhất là khi các bạn đã làm bánh thành thạo. Có thể vì thế nên khi chia sẻ công thức kiểu này, nhiều bạn cũng chỉ ước lượng mà không đưa khối lượng chính xác.
Dù sao thì mình chỉ muốn nói là mình thích công thức này bởi mình biết mình phải dùng 75 gram chuối, mà không cần băn khoăn xem chuối nhà mình thuộc size gì hehe.
7 câu hỏi thường gặp khi làm bánh chuối yến mạch theo diet.maytrongbep
Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi mà mình hay thấy các bạn comment. Hy vọng phần tóm tắt dưới đây sẽ giúp các bạn tiết kiệm thời gian “lội” comment mà vẫn có được thông tin hữu ích.
1. Bánh bao nhiêu calo?
Nếu dùng 5 gram chocolate chips và 10ml mật ong thì bánh cung cấp khoảng 350 – 370 kcal. Các bạn có thể cài app Myfitnesspal để tự tạo công thức và chủ động tính toán calo của mọi món ăn nhé.
2. Có thể hấp được không?
Mình thấy trong comment Mây nói rằng bạn ấy chưa hấp bao giờ, nhưng có 1 bạn khác trả lời rằng bạn ấy đã hấp thử và vẫn thành công. Chỉ có điều bánh khi hấp có mùi trứng hơi nồng.
Nếu nhà bạn không có lò nướng và vẫn muốn thử bằng cách hấp thì có thể dùng thêm 1 chút vanilla hoặc bột quế nếu có. Hai loại hương liệu này có mùi hương khá mạnh, mình nghĩ sẽ giúp át mùi trứng tanh hoặc mùi nồng của bột nở nếu có.
3. Dùng nồi cơm điện được không?
Có thể, nhưng khối lượng nguyên liệu khá ít nên mình nghĩ sẽ không phù hợp với nồi cơm điện dung tích 1L (tương đương đường kính lòng nồi 20cm) trở lên.
Công thức gốc sẽ phù hợp với nồi cơm điện mini dung tích 0.3L hoặc bạn cũng có thể gấp 3 khối lượng công thức để vừa với nồi cơm điện dung tích 1L.
4. Bảo quản bánh như thế nào?
Cũng giống như các loại bánh chuối yến mạch hay bánh ngọt khác, bánh có thể bảo quản trong tủ lạnh 4 – 5 ngày, tủ đông thì cả tháng. Khi ăn các bạn chỉ cần quay lò vi sóng 30 giây đến 1 phút là bánh mềm, ẩm và rất dậy mùi.
5. Dùng nồi chiên không dầu được không?
Câu hỏi này đã được giải đáp trong lưu ý thứ 3 ở phần đầu của bài viết nha.
6. Tại sao nướng đủ thời gian mà bánh vẫn ướt bên trong?
Thời gian nướng trong công thức không tính 10 phút làm nóng lò ban đầu. Vì thế, các bạn nhớ làm nóng trước 10 phút để lò đạt được mức nhiệt nướng bánh nhé. Có thể bánh vẫn ướt bên trong đơn giản là do thời gian nướng chưa đủ thôi.
7. Có cần thêm nước khi trộn nguyên liệu không?
Không cần nha. Trong công thức liệt kê những nguyên liệu nào thì cứ y theo như vậy là chuẩn rồi các bạn ạ. Chuối nghiền nhuyễn và trứng đã đủ tạo lượng chất lỏng cần thiết để trộn với bột rồi nè.
Nếu bạn muốn thử công thức có sử dụng thêm chất lỏng, có thể tham khảo bài viết về công thức bánh mì chuối yến mạch by vi.eatclean của mình nha.
Tóm lại là…
Đây là một công thức phù hợp khi bạn không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn chuẩn bị đồ ăn lành mạnh và đủ chất. Tổng thời gian chuẩn bị chưa tới 5 phút. Trong 20 – 25 phút chờ bánh chín, bạn có thể tranh thủ tập thể dục hoặc làm nốt các công việc dang dở.
Mình thường gấp đôi công thức cho mỗi lần làm bánh và chia sẵn thành 4 phần ăn sáng. Mỗi phần như vậy sẽ cung cấp khoảng 200 calo. Để đủ năng lượng cho bữa sáng, mình thường uống thêm 1 cốc sữa hạt. Sau đó, đến khoảng 10h sẽ ăn thêm bữa phụ.
Vậy là mình đã rút hết ruột gan để chia sẻ với các bạn về công thức bánh chuối yến mạch mà mình tâm đắc nhất (đến thời điểm này) rồi đó! Vậy còn các bạn, có công thức nào khiến các bạn yêu thích và làm đi làm lại nhiều lần như mình không? Hãy comment cho mình biết với nhé!
Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo. Hãy ghé thăm thedelayedmonday.com thường xuyên để chúng mình học hỏi lẫn nhau những mẹo vặt bổ ích trong cuộc sống nha!
Hay quá, mình cũng đang tìm công thức bánh chuối “gầy” mà ma trận muôn vàn công thức nên khó chọn quá xD Bài viết rất tâm huýt rụt gan, nếu giọng văn comment này nghe hơi giống nick clòn thì xin loii xíu ha :))) tại mình cũng hâm mộ chủ post lâu rồi á, hehe
Cảm ơn Hab đã ủng hộ TheDelayedMonday và hâm mộ chủ post nha! Mình sẽ lên thật nhìu công thức bánh ngọt “gầy” hơn nữa, mong bạn lại nhà <3
Chào bạn. Mình ước gì ở gần bạn để có thể sang xin ăn ngay và luôn. Tuy nhiên vì ko có đìu kịn gần gũi nên mình sẽ áp dụng ct bạn chia sẽ để có thể làm ra món bánh chúi hảo hạng. Mình xin cảm ơn 🥰
Bao giờ có điều kiện gần gũi mình sẽ làm cho bạn ăn thật nhiềuuuu đồ ngon! Riêng bạn thì mình còn chở cả bạn đi ăn đồ ngon nữa, bạn mài răng cho thật sắc bén là vừa <3 Xin cảm ơn bạn :*
Bánh này ngon. Làm một lần ăn mấy ngày không bị khô. Tác giả làm thêm nhiều bài nữa đi, thêm ảnh vào cho người đọc thèm.
Cảm ơn bạn đã ủng hộ! Mình chuẩn bị lên một bài về brownies và có rất nhìu ảnh mlem, mong bạn ghé Blog thường xuyên ^_^