Hôm nay mình thử làm bánh mì chuối yến mạch theo công thức từ Instagram @vi.eatclean – 1 bạn trẻ sinh năm 1997 với hơn 73k người theo dõi, trong đó có mình.
Ngoài chia sẻ công thức, mình viết bài này với mục đích chính là chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong quá trình làm bánh: mình thấy hay ở đâu, khó khăn ở bước nào, có điều gì cần lưu ý, giải đáp một số câu mà mình thấy các bạn hay hỏi trong comment v.v…
Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy những thông tin hữu ích từ bài viết của The Delayed Monday nhé!
Công thức Bánh mì chuối yến mạch by vi.eatclean
Mình trích dẫn lại công thức như bên dưới cho các bạn tiện tham khảo:
Nguyên liệu
✅Công thức cho 1 bánh lớn (hoặc chia đôi 2 phần nhỏ):
Hỗn hợp khô
Bột yến mạch | oat flour | 280gr |
Bột năng | tapioca starch | 30gr |
Muối | salt | 1/4 tsp |
Baking soda | 1/2 tsp |
Baking powder | 2 tsp |
Bột quế | cinnamon powder | 1/2 tsp |
Hỗn hợp ướt
Chuối chín | ripe bananas | 3 – 4 quả (tương đương khoảng 350gr) |
Trứng gà | eggs | 2 quả |
Sữa hạt | seed milk | 60ml |
Mật ong | honey | 60-80ml |
Vanilla extract | 1/2 tsp |
Cách làm
Trộn từng loại hỗn hợp rồi trộn đều 2 loại hỗn hợp vào nhau đến hòa quyện.
➡️Nướng bánh 2 lần | Bake 2 times
- Lần 1: 200°C trong 30’
- Lần 2: 160°C trong 20’
Lưu ý:
- Không mở lò khi nướng | No open oven during baking
- Nhiệt độ khi dùng nồi chiên không dầu sẽ có trong phần 14 Lưu ý
>>> Đọc thêm:
14 lưu ý khi làm Bánh mì chuối yến mạch
Dưới đây là những kinh nghiệm mình rút ra trong quá trình làm, cũng như tổng hợp từ phần hỏi đáp của mọi người trong comment trên post. Một số lưu ý có thể áp dụng khi làm các loại bánh nói chung, chứ không riêng bánh mì chuối yến mạch.
Các bạn tham khảo và chia sẻ cho mình những kinh nghiệm của các bạn nữa nhé!
1. Nếu bạn dùng lò nướng trên 25L hoặc NCKD trên 5L:
- Công thức gốc phù hợp với khuôn loaf A05 (kích thước 19 x 9x 7,3cm) và dung tích lò/NCKD như trên.
- Nếu dùng NCKD, set nhiệt độ thấp hơn công thức gốc. Mức 150 – 160 độ C theo kinh nghiệm của mình là an toàn.
- Sau 15p kiểm tra lần 1. Nếu mặt bánh chưa chuyển vàng đậm hay bị xém thì tiếp tục nướng thêm 8 – 10p.
2. Nếu bạn dùng NCKD loại 3.5L (giống mình):
- Chắc chắn phải giảm 1/2 nguyên liệu của công thức gốc để phù hợp dung tích nồi chiên.
- Dùng khuôn loaf A04 (kích thước 16 x 9,8 x 7cm).
- Set nhiệt độ 150 – 160 độ C, sau 15p kiểm tra 1 lần. Nếu mặt bánh chưa chuyển vàng đậm hay bị xém thì tiếp tục nướng thêm 8 – 10p.
3. Có thể dùng nồi cơm điện nhưng…
Đường kính lòng nồi không nên to hơn 20cm.
Lưu ý này áp dụng trong trường hợp bạn làm theo khối lượng như công thức gốc. Lí do là bởi nếu bạn dùng nồi cơm điện quá lớn, bánh sẽ bị mỏng và không được đẹp mắt. Tuy nhiên cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng và độ ngon, mình đoán vậy 😀
Nếu bạn chỉ định làm theo 1/2 công thức thì có lẽ càng không nên dùng nồi cơm điện, trừ khi nồi nhà bạn là loại mini đường kính 10 – 12cm.
Các bạn có thể tham khảo thêm công thức bánh chuối yến mạch “tối giản” theo diet.maytrongbep. Đây là một công thức cũng có thể dùng nồi cơm điện.
4. Công thức không dùng để hấp hay nướng bằng lò vi sóng
Điều này mình chỉ đúc rút từ phần trả lời của tác giả khi mọi người hỏi thôi.
5. Không có baking soda/powder vẫn có thể làm nhưng…
Chắc chắn bánh sẽ kém ngon đó các bạn.
Mình tham khảo khá nhiều công thức bánh tương tự và đa số mọi người đều nói 2 loại bột nở này là optional – có cũng được, không có không sao. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế, mình thấy: đúng là không có bột nở và muối nở vẫn làm được bánh thôi, nhưng nó kém ngon từ hình thức đến mùi vị.
Hai loại bột nở này đều có thể dễ dàng tìm mua trên Shopee với giá rất rẻ, đừng ngại đầu tư nhá! Đây là link shop bán bột nở mà mình mua trên Shopee để các bạn tham khảo.
6. 3 – 4 quả chuối tương đương 350gr
Và không tính lượng chuối dùng để decor nhé.
Công thức ở caption của vi.eatclean chỉ ước lượng 3 – 4 quả chuối, nhưng trong video thì có chú thích cụ thể là 350gr. Mình nghĩ video tốc độ khá nhanh nên không phải bạn nào cũng để ý.
Cân đong chuẩn chỉnh là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định thành bại của bất kỳ món ăn nào đúng không các bạn!
7. Bánh mì chuối yến mạch cung cấp khoảng 2000 kcal
Chia ra thì 1 slice 50gr cung cấp khoảng 120 kcal. Như vậy, 2 slice bánh + 1 cốc sữa là đủ dinh dưỡng cho 1 bữa sáng rồi đó.
Mình thấy rất nhiều bạn hỏi về calo của các món ăn mà không phải lúc nào tác giả cũng có thể giải đáp hết. Vì thế, cài app Myfitnesspal là 1 cách để các bạn chủ động tính toán được lượng calo của bất kì món ăn nào.
Chỉ cần nhập tất cả các nguyên liệu trong công thức là app sẽ tính được lượng calo tổng. Thêm 1 chút tính toán đơn giản là bạn biết mỗi bữa mình nên ăn bao nhiêu miếng bánh rồi!
>>> Đọc thêm: Công thức làm bánh Brownies chuối yến mạch eat clean
8. Không có bột năng cũng không sao
Bạn có thể thay thế hoàn toàn bằng bột yến mạch với khối lượng tương đương. Kết cấu bánh sẽ kém dai và giống bánh bông lan hơn, nhưng yên tâm là bánh sẽ không hỏng.
9. Có thể thay bột yến mạch bằng bột mì nguyên cám
Và với khối lượng tương đương nhé. Lưu ý này mình cũng tự rút ra khi hóng hớt tác giả trả lời comment của mọi người thôi. Mình thì chưa làm bánh bằng bột mì nguyên cám bao giờ.
10. Bánh mỳ chuối yến mạch bảo quản tủ lạnh được 5 ngày
Quá 5 ngày thì bánh sẽ kém ngon, còn hỏng hay không thì hên xui 😁
Mình thường đợi bánh nguội rồi cắt sẵn thành các slice, sau đó bọc kín bằng ni lông bọc thực phẩm. Buổi sáng chỉ cần bỏ vào vi sóng quay 30 giây – 1 phút là bánh nóng hổi mềm mại, rất thơm ngon.
11. Đây là công thức BÁNH MÌ chuối yến mạch
Sở dĩ nhấn mạnh từ ‘bánh mì’ bởi công thức có sử dụng bột năng như mình đã đề cập. Vì vậy, kết cấu bánh sẽ hơi khác các loại bánh chuối yến mạch theo kiểu ‘cake’.
Bánh mì chuối yến mạch ăn hơi dai và có độ dẻo mềm nhất định. Bánh cake chuối yến mạch thì kém dai hơn và khi bẻ thường vỡ thành nhiều vụn nhỏ.
Khác nhau 1 chút về kết cấu, còn về độ ngon mình nghĩ là bất phân thắng bại. Đây một công thức rất đáng thể thử nếu bạn đã quá quen thuộc với các công thức bánh chuối phổ biến.
>>> Đọc thêm: Kinh nghiệm làm bánh chuối yến mạch sữa chua theo Emma Phạm
12. Nếu dùng chuối làm topping đừng quên…
…ấn nhẹ để miếng chuối chìm hẳn vào hỗn hợp bột trước khi bỏ vào lò nướng.
Một số lần đầu làm mình chỉ thả nhẹ miếng chuối lên mặt bột rồi đem nướng. Kết quả là khi bánh nở phồng, miếng chuối vì chưa được vùi vào bột nên đã tự bật dậy khỏi mặt bánh 😂
Nếu bạn không thích style decor kiểu zombie này thì nhớ dùng phới ấn nhẹ để chuối chìm vào hỗn hợp bột nhé.
13. Sợ fail? Hãy thử trước với 1/2 nguyên liệu
Khi thử một công thức hoàn toàn mới và không chắc mình có thành công không, mình sẽ giảm khối lượng các nguyên liệu còn khoảng 1/2 hay 1/3. Chẳng may fail thật cũng đỡ tiếc.
Lưu ý quan trọng là phải áp dụng cùng 1 tỷ lệ giảm cho tất cả các nguyên liệu nha. Nguyên liệu không cân đối về tỷ lệ là nguyên nhân phổ biến khiến làm bánh hay nấu ăn thất bại đó.
14. Thay thế khuôn nhôm bằng các loại cốc/bát bằng sứ/thủy tinh
Thậm chí mình thấy làm bằng hộp thủy tinh Lock&Lock lại có cái hay riêng. Mỗi lần nướng xong mình chỉ cần để bánh nguội rồi lấy nắp nhựa đậy kín và cất tủ lạnh ăn dần, rất sạch sẽ và vệ sinh. Khi ăn chỉ cần lấy dao nhỏ cắt thành từng slice và lách nhẹ ở thành hộp là bánh đã rời ra rồi, cực kỳ tiện lợi.
Các bạn nên lựa chọn loại cốc/bát/hộp có kích thước phù hợp với hỗn hợp bột nhé. Hỗn hợp chỉ nên chiếm từ 1/2 – 2/3 thể tích của khuôn thôi, vì khi nướng bánh sẽ nở phồng lên nữa.
>>> Đọc thêm: Review food tour các món ăn vặt Hải Phòng trong 1 ngày
4 thay đổi nhỏ của TheDelayedMonday so với công thức gốc
Lần nào làm bánh mình cũng thích thay đổi 1 chút so với công thức gốc, tùy theo các nguyên liệu đang thừa hoặc thiếu. Sau đây là những thay đổi mình áp dụng và may mắn là bánh vẫn ngon:
- Không dùng bột quế: Mình không thích mùi quế lắm nên thường bỏ qua nguyên liệu này khi làm bánh. Nếu muốn các bạn có thể mua trên Shopee rất sẵn và rẻ.
- Thêm chocolate thái vụn: Mình sẵn 1 ít chocolate đen nên thái vụn rồi trộn đều vào hỗn hợp. Chocolate cực kỳ hợp với các công thức bánh chuối.
- Giảm 1/2 lượng mật ong: Do chocolate cũng có vị ngọt rồi, và mình dùng sữa hạt có đường nên giảm bớt 1/2 lượng mật ong. Các loại sữa dùng trong làm bánh các bạn nên chọn loại không đường là chuẩn nhất nhé.
- Không dùng hạnh nhân để làm topping: vì mình không có 😀 Mình chỉ trang trí bằng 2 lát chuối mỏng thái dọc. Đôi khi mình cũng hay rắc vụn dừa khô, granola hoặc vụn chocolate để decor. Nhà có gì thì dùng nấy.
Mình mới mua lọ vanilla 28ml trên Shopee với giá 27k nên đây cũng là lần đầu tiên mình làm bánh với vanilla. Cái hay của vanilla là giúp át đi mùi nồng của bột nở.
Ngược lại, mình cảm thấy vanilla có mùi hương khá mạnh và đặc trưng nên lại át luôn cả mùi chuối. Lần sau mình sẽ không cho vanilla nữa vì mình thích mùi thơm tự nhiên của chuối hơn.
4 điều thú vị trong công thức bánh mì chuối yến mạch của vi.eatclean
Nếu là người quen thuộc với phương pháp ‘Eat clean’ thì hẳn bạn không còn xa lạ gì với món bánh này. Không giống với bánh bông lan chuối thông thường, bánh chuối Eat clean theo mình có 3 điểm khác biệt chính đó là:
- Thay bột mì bằng bột yến mạch: do yến mạch có nhiều chất xơ và chỉ số đường huyết (GI) thấp, phù hợp cho những người đang theo các chế độ ăn kiêng.
- Thay đường kính bằng mật ong/đường ăn kiêng, hoặc bỏ qua luôn chất tạo ngọt: do chuối chín đã có vị ngọt tự nhiên rất ngon.
- Nguyên liệu, dụng cụ, cách làm tối giản và rất sáng tạo: để bất cứ ai cũng có thể thực hiện và bắt đầu lối sống lành mạnh ngay và luôn.
Và tất nhiên công thức của vi.eatclean cũng có tất cả những đặc điểm nói trên. Ngoài ra, mình còn thấy thích thú công thức này bởi 4 điểm sau:
- Sử dụng bột năng: điểm khác biệt rõ nhất với các công thức bánh chuối yến mạch eat clean phổ biến, giúp bánh có kết cấu dai và dẻo hơn.
- Bánh vẫn ẩm mềm khi bảo quản tủ lạnh: đến ngày thứ 5 bánh ăn vẫn rất mềm ẩm sau khi quay lò vi sóng tầm 30 giây – 1 phút. Một số công thức khác nếu ăn ngay sẽ rất ngon, nhưng khi bảo quản tủ lạnh bánh sẽ dần bị khô và cứng lại.
- Sử dụng sữa hạt: trong khi mình đang có sẵn hộp sữa hạt cần giải tán vì để cũng hơi lâu rồi 😀
- Khối lượng nguyên liệu khi chia đôi vừa vặn với kích thước khuôn và nồi chiên không dầu (NCKD) của mình, cũng như lượng bánh mình làm mỗi mẻ để ăn trong 4 – 5 ngày. Điều này với mình khá quan trọng. Có nhiều công thức rất hấp dẫn nhưng lại có khối lượng nguyên liệu hơi lỡ cỡ với tốc độ tiêu thụ thực phẩm và điều kiện khuôn/lò của mình.
Tóm lại là…
Trên đây là toàn bộ những điều mình đã rút ra sau khi làm bánh theo công thức Bánh mì chuối yến mạch của vi.eatclean. Các câu hỏi của mọi người và giải đáp của tác giả cũng giúp ích cho mình rất nhiều. Hy vọng bài viết phần nào giúp các bạn thành công ngay từ lần đầu tiên làm thử món bánh tuyệt ngon này.
Cảm ơn cô gái đáng yêu vi.eatclean vì công thức đơn giản mà sáng tạo! Nhờ những công thức như vậy mà hành trình ăn uống lành mạnh của mình và nhiều bạn khác bớt nhiều nhàm chán và khó khăn. Các bạn hãy follow Instagram vi.eatclean nhé! Bạn gái này còn chia sẻ rất nhiều công thức healthy và kinh nghiệm ăn uống tập luyện phong phú nữa đó.
Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo. Có lẽ lại là một công thức bánh chuối khác mà mình tâm đắc ^^.
Chi tiết quá, cám ơn bạn ^^