Hành trình thử nghiệm 101 công thức bánh chuối của mình được tiếp tục với chia sẻ từ chị Emma Phạm. Đây là một công thức gây tranh cãi. Nếu chịu khó “lội” comment, chắc bạn cũng đồng ý với mình.
Mặc dù thế, mình vẫn quyết định làm thử công thức bánh chuối yến mạch/bột mì nguyên cám sữa chua của chị Emma Phạm bởi 3 lí do:
- Sữa chua – điểm khác biệt với các bánh mình làm trước đây. Thường bánh làm từ sữa chua sẽ có kết cấu xốp ẩm hơn.
- Bột mì nguyên cám có thể thay thế bằng bột yến mạch. Vừa khéo nhà mình không có bột mì nguyên cám nhưng bột yến mạch thì lúc nào cũng sẵn.
- Có thể nướng bằng nồi chiên không dầu (NCKD). Nhà mình không có lò nướng.
Và thật may mắn là mình đã thành công. Bánh rất ngon, thơm, mềm và nở xốp. Mình cũng đã hiểu vì sao cùng một công thức mà người làm được, người thì thất bại liên tục. Cùng tìm hiểu với The Delayed Monday nhé!
Cách làm Bánh chuối yến mạch sữa chua của Emma Phạm: Chưa chuẩn ở đâu?
Sau đây là video hướng dẫn cách làm bánh chuối sữa chua bằng nồi chiên không dầu của chị Emma trên youtube. Thành bại khi làm bánh của các bạn được quyết định ở phút 1:40:
Chị Emma dùng ½ cup sữa chua Hy Lạp và quy đổi thành 270 gr sữa chua. Đây là cách quy đổi không chính xác, thậm chí sai số rất lớn. Trên thực tế, ½ cup sữa chua chỉ tương đương với 120 gr hay 120 ml sữa chua mà thôi.
Vậy thì:
- Đây là công thức chuẩn nếu bạn đong sữa chua theo cup.
- Đây là công thức chưa chuẩn nếu bạn đong nguyên liệu theo quy đổi 270 gr. Thành phẩm sẽ bị nhão và ướt, giống như vấn đề mà rất nhiều bạn đã gặp phải.
- Đó là chưa kể, sữa chua Hy Lạp có kết cấu đặc hơn sữa chua thường. Nếu bạn đã dùng đến 270 gr sữa chua, mà lại là sữa chua thường thì thành phẩm hẳn sẽ khiến bạn khóc thét.
Trong các công thức nấu ăn hay làm bánh, mình thấy chị Emma thường đong theo cup hoặc teaspoon hay tablespoon. Bộ thìa hay cup đong nguyên liệu như vậy bán rất sẵn trên Shopee, giá chỉ từ 30k – 50k. Đừng ngại đầu tư một bộ để tự tin thử nghiệm mọi công thức.
Ngoài cách quy đổi sữa chua, mình còn rút ra một số lưu ý quan trọng khác trong quá trình làm bánh. Các bạn đừng vội vàng bắt tay vào bếp ngay mà hãy kiên nhẫn đọc tiếp đã nhé!
>>> Các công thức làm bánh khác:
- Cách làm Bánh táo yến mạch kiểu Ý bằng nồi chiên không dầu
- Cách làm Bánh muffin yến mạch chuối vị cam
Công thức Bánh chuối yến mạch Emma Phạm – Quy đổi nguyên liệu chuẩn
Nếu các bạn ngại xem video thì dưới đây là công thức mình type lại sau khi đã bổ sung và chuẩn hóa phần quy đổi nguyên liệu.
Nguyên liệu
Nguyên liệu | Khối lượng | Quy đổi sang gr/ml |
Chuối | 2 quả | 130 – 150 gr |
Trứng | 2 quả | 70 – 90 gr |
Sữa chua Hy Lạp | ½ cup | 120 gr hoặc 120 ml |
Bột mì nguyên cám | 1 cup | 140 – 150 gr |
Baking soda (muối nở) | ½ teaspoon | 2.5 gr |
Chiết xuất vanilla | 1 teaspoon | 5 gr |
Dầu olive hoặc dầu dừa (Extra virgin) | 45 ml | – |
Bột quế | ½ teaspoon | 2.5 ml |
Nho khô | ¼ cup | 40 gr |
Mật ong | Tùy thích | – |
Cách làm
- Làm nóng nồi chiên không dầu trước khi nướng tầm 10 phút ở nhiệt độ 175 độ C (hay 350 độ F)
- Dằm nát chuối. Sau đó cho thêm trứng, dầu olive, mật ong, sữa chua, và vanilla vào trộn đều.
- Đổ từ từ hỗn hợp bột mì nguyên cám, bột quế, muối nở baking soda vào hỗn hợp trứng bên trên.
- Cuối cùng, cho nho khô vào và đảo đều hỗn hợp (lúc này đã khá đặc).
- Quét bơ hoặc dầu ăn vào khuôn bánh để chống dính. Đổ hỗn hợp bột đầy 2/3 khuôn bánh và rắc nho khô trang trí bên trên.
- Nướng bánh trong NCKD đã được làm nóng trước đó. Set nhiệt độ 175 độ C trong vòng 20 – 25 phút. Lưu ý tùy chỉnh thời gian và nhiệt độ theo kích thước khuôn hoặc nồi chiên.
Trên đây là toàn bộ công thức bánh chuối sữa chua mình trích dẫn từ chị Emma Phạm. Mình đã thay đổi khối lượng của sữa chua cho chính xác và thêm phần quy đổi sang gr/ml để phù hợp điều kiện của nhiều người hơn.
Để làm bánh thật tự tin và đảm bảo thành phẩm ngon mắt cũng như ngon miệng, nhớ đọc nốt phần còn lại của bài viết nhé.
>>> Đọc thêm:
6 lưu ý trong cách làm bánh chuối yến mạch theo Emma Phạm
Sau đây là những điều hữu ích mình rút ra trong quá trình làm bánh. Một số lưu ý có thể áp dụng khi làm bánh hay nấu ăn nói chung. Mình sẽ tổng hợp những lưu ý như vậy vào một bài viết riêng để các bạn tiện theo dõi, nhớ đón đọc nha!
1. Luôn gạt bằng nguyên liệu qua miệng cup
Trong mọi công thức sử dụng cup, dù nguyên liệu khô như bột hay lỏng như sữa chua, có một nguyên tắc quan trọng phải nhớ: luôn gạt phẳng nguyên liệu qua miệng cup. Mình thường dùng sống dao để gạt.
Cup đầy có ngọn chắc chắn sẽ có trọng lượng khác cup vơi, hay cup gạt bằng. Và một lần nữa mình lại muốn nhấn mạnh, sự cân đối của các thành phần nguyên liệu là một trong những yếu tố quyết định thành bại khi nấu ăn hay làm bánh.
2. Nên trộn kĩ bột mì và muối nở trong tô riêng trước khi đổ vào hỗn hợp ướt
Như vậy, muối nở sẽ dễ dàng được hòa trộn đều vào bột mì nguyên cám hơn.
Muối nở baking soda có tác dụng làm bánh nở xốp. Vì vậy, nếu trộn không đều, bánh sẽ phình to ở những nơi đọng nhiều muối nở hơn. Thành phẩm sẽ méo và kém ngon mắt, tuy nhiên cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến hương vị.
>>> Những chủ đề khác trên Blog của mình:
3. Dùng chuối tiêu hay chuối tây đều ngon
Mình đã làm bánh chuối yến mạch theo khá nhiều công thức khác nhau. Có lần dùng chuối tiêu, có lần lại dùng chuối tây. Dù vậy thì lần nào bánh cũng vẫn thơm và ngọt dịu, hầu như không có sự khác biệt hay chênh lệch gì về hương vị cả.
Thậm chí mình đọc comment còn thấy chị Emma nói dùng chuối sứ cũng rất hợp nữa, các bạn có thể thử.
>>> Đọc thêm: Công thức làm Brownies chuối yến mạch healthy cực ít calo
4. Công thức vừa khuôn tròn đường kính 15cm, cao 7cm và NCKD 3.5L
Khi đó mình chưa mua khuôn loaf nên nướng tạm bằng hộp thủy tinh tròn Lock&Lock. Nhưng mà, như thế nào là “vừa”? Hiểu chưa đúng về khái niệm này cũng ảnh hưởng tới chất lượng bánh đó.
Khuôn “vừa” với NCKD theo nghĩa, sau khi đặt vào lòng nồi, xung quanh khuôn vẫn đủ khoảng rộng để xê dịch thoải mái. Các bạn xem ảnh cho dễ hình dung nhé.
NCKD có không gian không được rộng rãi như lò nướng, và chỉ có một thanh nhiệt phía trên. Vì thế:
- Bánh hay thức ăn nói chung luôn tiếp xúc rất gần với thanh nhiệt;
- Nhiệt bên trong cũng không đều như lò nướng.
Ngoài ra, công thức “vừa” với khuôn theo nghĩa, hỗn hợp sau khi trộn hết các nguyên liệu chỉ được chiếm 2/3 thể tích khuôn. Khi nướng, bánh còn phồng lên nữa nên nếu đổ quá đầy, bánh vừa dễ tràn khuôn lại vừa dễ cháy mặt do quá gần với thanh nhiệt.
5. Có thể thay sữa chua Hy Lạp bằng sữa chua thường
Mình không dùng sữa chua Hy Lạp mà dùng sữa chua không đường của Vinamilk với khối lượng tương đương. Thành phẩm bánh vẫn ngon, không bị ướt.
Tuy nhiên, các bạn cũng hoàn toàn có thể “hô biến” sữa chua thường thành sữa chua Hy Lạp chỉ với một miếng vải lọc mà thôi. Các bạn tham khảo hướng dẫn tách nước từ sữa chua thường để có sữa chua Hy Lạp của chị Savouryday nhé.
Lưu ý: Phương pháp dù đơn giản nhưng lại mất ít nhất 8 tiếng để chờ nước được tách khỏi sữa chua. Các bạn cân nhắc thời gian nhé, làm bằng sữa chua thường cũng rất ngon rồi đó!
6. Nên nướng từ 150 – 160 độ C trước, sau đó chỉnh nhiệt cao dần
Với NCKD thể tính nhỏ dưới 5L, các bạn nên bắt đầu với nhiệt độ nướng khoảng 150 – 160 độ C. Sau khi nướng 15 phút thì kiểm tra lần một và điều chỉnh nhiệt cao hơn nếu mặt bánh chưa vàng xém.
Có 2 quy tắc nên nhớ để cân đối thời gian và nhiệt độ nướng bánh với NCKD đó là:
- Khuôn càng nhỏ thì thời gian nướng chín càng nhanh;
- Nồi chiên càng nhỏ thì nhiệt độ nướng ban đầu càng nên thấp, sau đó tăng nhiệt dần thì bánh sẽ chín từ trong ra mà mặt bánh không cháy.
9 câu hỏi thường gặp khi làm ‘bánh chuối Emma’ và giải đáp
Trước khi làm bất kỳ công thức nấu nướng nào mình cũng có thói quen nghiền ngẫm mọi comment để rút kinh nghiệm và học hỏi từ mọi người. Dưới đây là phần tổng hợp của mình cho các câu hỏi phổ biến nhất cùng giải đáp của tác giả Emma cũng như các khán giả có tâm khác.
Các bạn hãy để lại comment nếu phần tổng hợp của mình chưa chính xác hay cần bổ sung thêm nhé!
1. Kích thước khuôn chị Emma dùng trong video là bao nhiêu?
Chị Emma dùng 2 khuôn loaf, mỗi khuôn có kích thước 15cm x 8cm. Nếu quy đổi theo kích thước mà các shop trên Shopee hay bán thì nó là loại khuôn loaf A05 nhé.
2. NCKD của chị Emma là loại nào? Bao nhiêu lít?
NCKD nhà chị Emma là loại XXL Philips, không rõ mã sản phẩm cụ thể là gì. Chị Emma cũng không nhắc đến thể tích của nồi. Mình thì đoán đây là loại 5L, vì nồi nhà mình 3.5L chỉ đặt vừa 1 khuôn chứ không đặt được 2 khuôn cạnh nhau như trong video.
3. Bánh chuối sữa chua tổng cộng bao nhiêu calo?
Bánh chia được thành 10 miếng (mỗi chiếc nhỏ cắt thành 5 miếng). Mỗi miếng khoảng 134 calo.
4. Dùng bột nở (baking powder) thay cho muối nở được không?
Có thể. Nếu dùng bột nở thì các bạn dùng 1.5 teaspoon, tương đương khoảng 7 gr.
5. Dùng men nở instant yeast thay muối nở được không?
Không thể. Một số công thức có thể thay thế nhau giữa bột nở và muối nở, nhưng men nở thì không.
6. Dùng bột hạnh nhân được không?
Hoàn toàn được, thậm chí bánh còn ngon và ít calo hơn một chút.
7. Dùng bột yến mạch, bột mì đa dụng được không?
Tất nhiên là được rồi, mình cũng dùng bột yến mạch và bánh vẫn rất ngon. Bột yến mạch đơn giản chính là bột được xay mịn từ yến mạch cán vỡ hoặc cán dẹt.
Thậm chí bạn cũng có thể làm bằng bột mì trắng thông thường và không cần thay đổi gì trong công thức. Tuy nhiên, dùng bột mì nguyên cám, bột hạnh nhân hay bột yến mạch sẽ tốt cho sức khỏe hơn vì đây là các loại bột có hàm lượng chất xơ cao.
8. Nướng bằng lò nướng thì chỉnh nhiệt độ thế nào?
Nếu dùng lò nướng thì các bạn set nhiệt độ 180 độ trong thời gian khoảng 60 phút. Tốt nhất là cứ sau 15 – 20 phút các bạn nên kiểm tra một lần để điều chỉnh nhiệt độ kịp thời nếu cần nhé.
9. Bánh bảo quản như thế nào? Được bao lâu?
Bánh sẽ bảo quản được trong 3 ngày với nhiệt độ phòng, 7 ngày với ngăn mát tủ lạnh và hàng tháng nếu trữ trong ngăn đông.
Tóm lại là…
Đến đây mình mới nhận ra, hình như từ đầu đến cuối mình quên chưa khen công thức của chị Emma rất ngon thì phải?
Thực sự, ngoài một chút quy đổi chưa chuẩn thì đây là một công thức rất tuyệt và đáng thử đó các bạn. Bánh có sữa chua nên kết cấu mềm, ẩm, bảo quản tủ lạnh cũng không bị khô. Thành phần nguyên liệu cũng dễ kiếm, hầu như đều sẵn có trong căn bếp của mọi nhà.
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài chia sẻ kinh nghiệm & cách làm bánh chuối yến mạch sữa chua theo Emma Phạm của mình. Hy vọng rằng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích để các bạn bước vào bếp, trộn bột, và nướng bánh với tâm thế tự tin nhất.
Hành trình trải nghiệm 101 công thức bánh chuối của mình vẫn chưa kết thúc ở đây đâu. Nhớ ghé thăm thedelayedmonday.com để cập nhật các chia sẻ mới nhất từ mình nha! Hẹn gặp lại!
bài viết chi tiết và có tâm ^._.^
Cảm ơn bạn đã ủng hộ <3