Hôm nay The delayed Monday sẽ chia sẻ về một chủ đề mới toanh. Đó là: Kinh nghiệm luyện nghe tiếng Anh thụ động, hay Hồi ký Tôi đã vô tình tìm ra cách luyện IELTS Listening hiệu quả như thế nào.
Bài viết này sẽ nói về những điều bổ ích mà mình rút ra trong quá trình luyện IELTS Listening. Hay ho ở chỗ, mình thấy những điều đó không chỉ giúp ích cho IELTS Listening mà cũng cực kỳ hiệu quả khi luyện nghe tiếng Anh nói chung.
Luyện nghe tiếng Anh thụ động là gì?
‘Thụ động’ nghĩa là không có sự chuẩn bị để phản ứng lại với tình thế, và dường như trong đa số tình huống nó đều mang nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, ‘thụ động’ lại là một phương pháp rất hiệu quả và tích cực để luyện nghe tiếng Anh hay ngoại ngữ nói chung.
Luyện nghe tiếng Anh thụ động là lắng nghe tiếng Anh một cách vô thức, không chủ động. Tip sống còn ở đây là bạn không cần, và cũng không nên bắt bản thân phải tập trung nghe từng câu từng chữ của người nói. Nghe tiếng Anh thụ động giúp chúng ta làm quen trong vô thức với cách ngắt nghỉ, nhấn nhá trọng âm và ngữ điệu của một ngôn ngữ mới.
Ưu điểm của cách luyện nghe tiếng Anh này là không chiếm thêm quỹ thời gian trong ngày của bạn. Mình sẽ giải thích kỹ hơn về điều này ở phần tiếp theo nhé.
Kinh nghiệm luyện nghe tiếng Anh thụ động một cách hiệu quả
Xuất phát điểm của mình: 10 – 12 trên tổng số 40 điểm bài Nghe. Sau một tháng luyện tập liên tục, mình cực kỳ bất ngờ trước sự tiến bộ của bản thân: đạt 32 – 34/40 điểm khi làm các đề thi thử. Cuối cùng, khi thi thật, mình đạt 8.0 cho kỹ năng Listening.
Nghe cái gì?
Một số bài viết gợi ý nghe nhạc, nghe hội thoại trong phim. Nhưng theo mình, hiệu quả và thực tế/thực dụng nhất là chọn nghe gì tùy theo mục tiêu của chính bạn.
Ví dụ:
- Mục tiêu là thi IELTS thì nên nghe lại chính các bài test IELTS Listening;
- Mục tiêu là hòa nhập thật nhanh trong môi trường nói tiếng Anh (như đi du học, định cư) thì nên nghe Podcast, News của quốc gia mà bạn sẽ tới.
- Mục tiêu là hiểu được đối tác, đồng nghiệp khi đi làm thì nên nghe record của chính các cuộc họp mà đối tác, đồng nghiệp tham gia phát biểu. Những đối tượng nào nói càng khó nghe thì bạn càng nên record để quen thuộc được với ngữ điệu của họ. Nghe có vẻ hơi creepy một chút, nhưng nếu việc không thể nghe hiểu đồng nghiệp là một trở ngại khiến bạn mất tự tin khi đi làm, thì creepy lên nào.
Trước đây mình chủ yếu chỉ nghe đi nghe lại các bài test Listening đã làm và download các đoạn tin tức ngắn của BBC Global News. Năm 2011 podcast chưa nở rộ như bây giờ và tất cả những gì mình có là một chiếc MP3 của Sony 128 MB.
Nghe lúc nào?
Bất cứ lúc nào trong ngày, miễn là thời điểm đó bạn vẫn làm được việc phải làm, và vẫn có thể bật tiếng Anh mà không bị ảnh hưởng đến người khác, hay đến chính mình.
Ví dụ như khi rửa bát, khi lau dọn nhà cửa, khi tắm, v.v… Đây đều là những công việc không yêu cầu mức tập trung quá cao. Bạn vẫn có thể nghe thấy những gì đang được nói mà lại vẫn hoàn thành được việc cần làm.
Mình thì thường nghe trước khi đi ngủ, nhưng tất nhiên vẫn kết hợp làm một việc gì đó ví dụ như đọc truyện, lướt mạng, chat chit. Có những hôm mình chẳng làm gì, tắt hết đèn và nghĩ ngợi linh tinh trước khi ngủ nhưng vẫn để MP3 chạy. Thời điểm đó có những hôm phải trông người thân trong bệnh viện mình cũng mang theo MP3.
>>> Đọc thêm về kinh nghiệm nấu nướng và làm bánh của mình
Nghe trong bao nhiêu lâu?
Nếu cần tiến bộ nhanh trong thời gian ngắn, bạn nghe càng nhiều càng tốt. Hãy đảm bảo mỗi lần nghe không dưới 30 phút, mỗi ngày nghe càng nhiều lần như vậy càng tốt, và ngày nào cũng phải nghe.
Nếu bạn chỉ đơn giản muốn cải thiện khả năng nghe hiểu và không có áp lực thời gian thì có thể thả lỏng một chút. Nhưng nhớ rằng cần rèn luyện thói quen nghe thụ động thường xuyên, ít nhất trong 21 ngày liên tục để tạo đà.
Tip ngoài lề nếu bạn đang luyện IELTS Listening
Thực ra mình cũng không tự tin viết phần này lắm đâu. Đã hơn 1 thập kỷ rồi mình không đụng đến IELTS, không rõ cấu trúc đề có thay đổi nhiều không? Dù thế mình nghĩ chắc chia sẻ vẫn sẽ hữu ích không nhiều thì ít.
Thời của mình, trong 4 section của IELTS Listening, section 1 là dễ nhất. Section 4 khó nhất vì bạn sẽ phải nghe một tràng thông tin dài mà không nhịp nghỉ. Vì thế, mình thường tranh thủ những lúc băng đọc hướng dẫn trước mỗi Section để lướt trước nội dung Section 3 và 4. Hãy yên tâm là những phần hướng dẫn này không chứa thông tin gì giá trị cả và bạn sẽ sớm thuộc làu sau khi làm nhiều đề thi thử.
Nói tóm lại là hãy tận dụng mọi khoảng thời gian có thể để xem trước các Section khó hơn. Section nào dễ nhất thì cố gắng đọc thật nhanh, xác định chỗ cần điền thông tin:
- Là danh từ, tính từ hay động từ;
- Là số hay chữ;
- Cho phép điền nhiều nhất bao nhiêu từ v.v…
>>> Ngoài lề:
Vì sao mình nghĩ bài viết này sẽ hữu ích?
Trước khi viết bài, mình đã Google tìm hiểu các nội dung cùng chủ đề. Trên mạng cũng đã có không ít bài viết chia sẻ về luyện nghe tiếng Anh theo kiểu thụ động. Một số thực sự mang lại thông tin hữu ích, tuy nhiên phần nhiều chỉ xào nấu từ nhiều nguồn và rồi áp dụng chiêu trò để có được vị trí cao trên Google.
Vì thế, mình muốn đóng góp trải nghiệm cá nhân để các bạn thêm quyết tâm và tin tưởng khi lựa chọn cách học này. Giống như khi mua hàng Shopee. Dù đã đọc rất kỹ quảng cáo về sản phẩm nhưng chính nhờ những đánh giá chân thực của khách hàng chúng ta mới quyết định có bấm nút “Mua hàng” hay không.
Hy vọng review của mình giúp ích cho các bạn trong quá trình trau dồi ngoại ngữ.
Câu chuyện ngoài lề
Mình tạo động lực ôn và thi IELTS như thế nào?
Mình thi IELTS vào tháng 6 năm 2011, mục tiêu trên 6.5. Mình nhớ khi đó phí thi IELTS vừa tăng từ 1tr8 lên 3tr2. Lệ phí thi IELTS mới nhất mình check trên trang web của British Council đã là gần 4tr7.
Ban đầu mình định luyện thi một thời gian, khi nào cảm thấy tự tin thì mới nộp tiền và đăng ký thi. Nhưng rồi mình nhận ra quy trình này tuy an toàn nhưng lại không đủ áp lực để mình tập trung và quyết tâm. Cụm từ “một thời gian” thực sự là một cái bẫy với một kẻ mắc bệnh trì hoãn như mình.
Thế là mình bèn đảo ngược quy trình một chút. Nói đoạn mình rảo bước đến văn phòng British Council ở số 20 Thụy Khuê để nộp tiền và chốt luôn ngày thi vào 1 tháng sau đó. Nghĩa là mình có đúng 30 ngày để đạt target 6.5.
>>> Đọc thêm: 4 bài học & nhận thức mới của mình trong năm 2021
Kế hoạch ôn luyện IELTS trong 1 tháng của mình
Trong 30 ngày đó mình xác định tập trung cho ba kỹ năng Nghe – Đọc – Viết. Kỹ năng Nói mình yếu nhất và cảm thấy quá khó để cải thiện trong thời gian ngắn, nên mình chấp nhận buông xuôi để ưu tiên ba kỹ năng còn lại.
Chiến thuật này thực sự có hiệu quả với mình khi đó, và được phản ánh chân thật qua kết quả thi. Điểm thi 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết của mình lần lượt là 8.0 – 6.5 – 7.5 – 7.0.
Thời điểm đó mình hoàn toàn vô tình lựa chọn cách luyện nghe tiếng Anh kiểu thụ động. Mình cũng không biết có tồn tại một phương pháp gọi tên như thế.
Mình luyện riêng lẻ các kỹ năng trong 2 tuần đầu và dành 2 tuần cuối để làm càng nhiều đề thi thử càng tốt. Khi đó tài liệu ôn tập chủ yếu của mình là 8 tập Cambridge và 3 tập IELTS practice test plus mua bản lậu ở Đại học Hà Nội.
Sáng mình sẽ ngồi làm đề 3 tiếng, chiều ngồi chữa bài làm theo đáp án, và tối nằm nghe tiếng Anh như một cách thôi miên. Có những lúc mình nghe đến mức thuộc làu những đoạn mà mình đã bị đề thi lừa. Thậm chí mình có thể đoán được là chúng nó sẽ lừa mình ở những tình huống nào.
>>> Đọc thêm: 7 điều mình tự hào về năm 2021
Một chút suy nghĩ từ việc luyện nghe tiếng Anh
Bài học mình rút ra ở đây không phải là bỏ qua kỹ năng yếu hơn để tập trung cho các kỹ năng còn lại. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là mình đã lựa chọn được phương pháp luyện thi phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình ở thời điểm đó. Nếu có nhiều thời gian hơn, mình sẽ cố gắng ôn tập toàn diện nhất có thể.
Tuy đạt điểm số cao hơn mục tiêu đặt ra nhưng mình biết điều đó không nói lên năng lực thật sự của mình. Thực tế là cầm tấm chứng chỉ IELTS 7.5 trong tay, mình vẫn còn gặp rất rất nhiều khó khăn sau đó khi dùng tiếng Anh trong công việc. Viết email đơn giản vẫn chật vật đến 30 thậm chí 40 phút. Lắp bắp và ấp úng khi phải trình bày trong các cuộc họp và thuyết trình thì còn xaaa mới có thể gọi là trôi chảy.
Mình nghĩ các loại chứng chỉ ra đời cũng chỉ giúp chúng ta có một tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của bản thân trong một lĩnh vực nhất định. Thế nên cho dù ấm bụng với điểm số 7.5, trước mắt mình khi ấy vẫn là cả một chặng đường dài để đạt được mức độ giao tiếp tạm gọi là đủ dùng cho công việc. Có lẽ chủ đề này sẽ cần một bài viết khác trên ThedelayedMonday.com 😀
Sau khi đọc lại bài viết thì mình cảm giác nó giống với hồi ký luyện thi IELTS hơn là chia sẻ kinh nghiệm luyện nghe tiếng Anh các bạn ạ. Hihi. Thật vui vì trong tháng 3 mình đã xuất bản được những 2 bài viết cho Blog rồi.
Comment cho mình biết nếu bài viết mang lại giá trị gì đó cho các bạn dù nhỏ bé nhé!